Emoji trong quan hệ pháp luật - Mặt cười ràng buộc pháp lý?
Bạn có dùng ứng dụng OTT? Khi dùng ứng dụng OTT, bạn có dùng emoji? Khi dùng emoji bạn có bao giờ nghĩ một ngày đẹp trời bạn phải trả cả 1.000 đô la chỉ vì cái emoji “thumbs up”? Bạn không đọc nhầm đâu, đó là thực tế xảy ra khi một “bác” nông dân người Canada tại tỉnh Saskatchewan phải trả nhiều nghìn đô la cho một số lượng cây lanh chỉ vì đã👍
LS. Đặng Diệu Phương
Ngày 08/06 vừa qua, thẩm phán chủ tọa vụ South West Terminal Ltd. v. Achter Land & Cattle đã đưa quan điểm rằng “bên mua, người đã gửi một hợp đồng tới bên bán và nhận được emoji “thumbs up” phản hồi qua tin nhắn là đúng khi cho rằng emoji ràng buộc pháp lý như một chữ ký”.
Bài viết nêu quan điểm rằng đối với giới luật sư chuyên về hợp đồng, vụ án ở Canada thú vị nhưng không đáng ngạc nhiên và họ nói với trang tin LegalTech rằng các vụ kiện về ý nghĩa của một emoji trong ngữ cảnh pháp lý đã tăng nhanh trong những năm gần đây; và nếu chỉ tính riêng ở Mỹ là 10 vụ mỗi năm!
Cũng theo bài báo thông tin, các tòa án ở Mỹ hiện đang diễn giải các emoji tương tự như đồng nghiệp của họ ở Canada. Ngoài 👍, thì 🤝, 👊 hay kể cả 😵cũng đã từng được sử dụng như một bằng chứng trong một vụ án giết người vào năm 2017.
Một số emoji có ý nghĩa mơ hồ như 😊 cũng “đóng vai trò” trong những vụ việc bao gồm một vụ kiện chấm dứt quan hệ lao động trái pháp luật. Giáo sư luật học Eric Goldman của Đại học Santa Clara cho rằng “Emoji có thể và thực sự mang đến hậu quả pháp lý đáng kể. Chúng là một phần không tách rời của các trao đổi, thảo luận mà chúng được sử dụng trong đó” và việc “nhiều luật sư tư vấn hợp đồng vẫn có quan điểm rằng emoji chỉ là hình thức vui vẻ, thân thiện trong giao tiếp, thì thái độ như vậy là một sai lầm”. Từ quan điểm đó, vụ án của nông dân tại Canada sẽ không có gì là đáng kinh ngạc. Đó là một luồng trao đổi và người mua đưa ra lời đề nghị và người bán thể hiện “sự đồng ý”. Thực tế là “sự đồng ý” đã được thể hiện bằng 👍 thay vì “OK” hay là “một cái gật đầu” đã không còn là yếu tố quan trọng.
Với một trong những đặc điểm cơ bản của hệ thống thông luật khi mà thẩm phán là người có quyền giải thích luật, và trong khi các emoji đang “tham gia” vào nhiều vụ án nhưng người có thẩm quyền quyết định ý nghĩa của các emoji này không phải lúc nào cũng rõ ràng, thống nhất. Ý nghĩa của các emoji, theo đó, sẽ phụ thuộc rất nhiều không chỉ các bên mà còn vào tòa án (thẩm phán).
Quay trở lại với Việt Nam, liệu các tình huống tương tự có thể xảy ra và tranh chấp liệu có phát sinh khi mỗi ngày chúng ta sử dụng rất nhiều các ứng dụng nhắn tin OTT và emoji? Liệu hệ thống pháp luật Việt Nam quy định như thế nào và thực tế có use case nào cần xem xét tính pháp lý của các emoji?
Trước hết, hãy xem quy định của pháp luật:
- Về giao kết hợp đồng, theo BLDS 2015 (Điều 393) thì “chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”, vậy nếu sau khi đưa toàn bộ nội dung đề nghị và nhận được emoji có thể được xem là thể hiện sự “chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị giao kết hợp đồng” không?
Điều luật không quy định việc “chấp nhận” cần được thể hiện ở dạng thức nào (phải bằng lời, bằng văn bản, bằng cử chỉ, hành động), vì vậy, với emoji “thumbs up” mà không có thêm bất cứ câu hỏi, điều chỉnh nào với đề nghị/chào hàng, khả năng xem 👍 là “sự chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng” theo quan điểm cá nhân tác giả là có thể khả thi.
- Tiếp theo, về hình thức của giao dịch, cũng theo BLDS 2015 (Điều 119) quy định giao dịch dân sự có thể được thể hiện "bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể; giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản” – vậy hành vi dùng emoji có thể được xem là một hình thức “giao dịch dân sự bằng văn bản” nếu thông điệp dữ liệu (tức hình ảnh emoji) thực sự đáp ứng các điều kiện của pháp luật về giao dịch điện tử?
- Thứ ba, khi xem xét đến quy định đối với chữ ký điện tử - Luật Giao dịch Điện tử 2023 (Khoản 11 Điều 3) đã quy định rõ các điều kiện, đặc điểm để dữ liệu điện tử được xem là một “chữ ký điện tử” (kể cả chữ ký scan, OTP hay chữ ký hình ảnh cũng không đáp ứng được các quy định để được xem là “chữ ký điện tử”). Như vậy, khả năng để emoji được xem (hay diễn giải) thành “chữ ký” như vụ án tại Canada là không thể phát sinh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành (kể cả trong tương lai; Luật Giao dịch Điện tử 2023 sẽ có hiệu lực từ 01/07/2024); nhưng như nội dung phân tích ở mục 2 trên đây, giao dịch dân sự có thể thực hiện dưới nhiều hình thức và nếu bằng “lời nói” hay “hành vi”, thì giao dịch như vậy không cần đến “chữ ký” để được xem là xác lập.
Và đây là thực tiễn:
- Trong c-commerce (conversational commerce, một số bạn có thể thấy hơi lạ vì hầu hết sẽ nghe về e-commerce; nhưng ví dụ rất tiêu biểu và điển hình cho c-commerce chính là mua hàng qua Facebook, TikTokShop các bạn chat, comment trên livestream với shop để đặt hàng, chốt đơn, thông tin địa chỉ giao hàng, v.v…- thương mại qua các cuộc trò chuyện, trao đổi) thì có phải “giao dịch” thực sự đã được xác lập bằng các emoji? Người bán lên đơn, gửi tới người mua – người mua có thể type “OK” nhưng cũng có thể đơn giản gửi một emoji 🫶 hay 🤝 hay 👌 hoặc chỉ đơn giản là react ❤️ (thả tim) hay 👍 (thumbs up) để biểu thị sự xác nhận, đồng ý đặt hàng. Bất kể pháp luật có thừa nhận các emoji này có “ý nghĩa” là sự “chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng” hay không thì trong thực tế, các bên liên quan đã “mặc định” với nhau điều này.
- Đối với các giao tiếp hàng ngày trong doanh nghiệp, các phòng ban bộ phận cũng lựa chọn rất nhiều ứng dụng nhắn tin OTT để trao đổi công việc (Slack, Lark, Telegram, MS Team, v.v…). Giá sử nhân viên đề xuất với cấp quản lý phương án giải quyết một vụ việc và cấp quản lý sử dụng emoji hay react trên nội dung đề xuất đó, liệu emoji như vậy có được xem là sự phê duyệt? và nếu có, thì phê duyệt hợp lệ? Nếu phát sinh vấn đề, việc “phê duyệt” bằng emoji có được xem là “bằng chứng” và có thể “miễn trừ trách nhiệm” cho các bên liên quan? Tất nhiên, nếu chiếu theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, các emoji này sẽ không thể được xem là “bằng chứng hợp lệ” nhưng cùng với lời khai, liệu khả năng “chứng minh” của các emoji này có thể được xem xét một cách hợp lý?
Trở lại bài viết về tính pháp lý của emoji ở Mỹ, để đưa ra được ý nghĩa cụ thể của emoji như đã nêu trên, vụ việc phụ thuộc rất nhiều vào các bên và sự diễn giải pháp luật của thẩm phán nhưng sự gia tăng các vụ việc có liên quan đến hay sử dụng “ý nghĩa pháp lý của emoji” đã gây chú ý và làm cho giới luật sư phải cẩn trọng vì “Emoji are increasingly legally binding. But they’re still open to wide interpretation”, cũng như khuyến cáo các doanh nghiệp và khách hàng của mình phải “very careful what emoji they send in response to not only a business contract, but also to less formal text message”.
Vậy thì với Việt Nam – hệ thống pháp luật kém phát triển hơn, có vẻ nhiều ràng buộc hơn vì tính “thành văn” với mức độ diễn giải pháp luật thấp hơn, khả năng các emoji bị xem xét “ý nghĩa và sự ràng buộc pháp lý” là đến đâu, khi mà như đã nêu ra ở phần ví dụ thực tiễn, hoạt động c-commerce vẫn đang diễn ra hàng ngày. Từ góc nhìn cá nhân, tác giả cho rằng việc đánh giá, xem xét và thừa nhận “tính ràng buộc” của các emoji là một điểm thú vị, có lẽ nên được cân nhắc trong bối cảnh giao dịch điện tử và sự ứng dụng công nghệ đang diễn ra như vũ bão trong mọi hoạt động. Nếu đến một ngày, chúng ta sử dụng AI (như ChatGPT) để thay thế con người trong một, một vài hay kể cả mọi công đoạn, thì việc sử dụng emoji để “giao tiếp” sẽ tự động trở nên hiển nhiên và như vậy, “tính pháp lý của emoji” thật sự cần phải được xem xét tới một cách nghiêm túc../.
___
SENLAW
MV “Chẳng Thể Nhắm Mắt” và cá nhân Hùng Huỳnh không vi phạm bất kỳ quyền tác giả và quyền liên quan nào đối với MV “Standing Next To You” như các quyền đặt tên, đứng tên, làm tác phẩm phái sinh, sao chép, công bố, hay bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các quy định liên quan.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy một số quy định về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn chưa thống nhất nhận thức; một số vấn đề về tạm ngừng phiên tòa phát sinh trong thực tế nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh như: Hình thức tồn tại của quyết định tạm ngừng phiên tòa; sau khi có quyết định tạm ngừng phiên tòa, HĐXX phải thông báo cho những chủ thể nào và việc...
Áp dụng tập quán được xem là một giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, cũng là cơ sở để hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng tập quán trong công tác xét xử hiện nay.
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty; yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” tại Bản án số 06/2022/KDTM-ST ngày 18/8/2022 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.