028 7307 3579

HotLine

Ngôn ngữ

Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài

Bên cạnh việc giải quyết tranh chấp theo phương thức truyền thống là Tòa án, hiện nay các doanh nghiệp thường lựa chọn Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả trong kinh doanh và theo xu hướng giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế.

LS. Phạm Xuân Sang & Hồ Yến Linh

Những mối quan hệ phổ biến trong kinh doanh của Công ty  

Có thể thấy ngay từ khi được thành lập và xuyên suốt quá trình hoạt động, cho đến khi chấm dứt hoạt động, rất nhiều mối quan hệ mà công ty phải thiết lập, duy trì và quản trị, có thể đề cập tới các nhóm quan hệ sau đây: (A) quan hệ giữa công ty với đối tác, khách hàng; (B) quan hệ giữa công ty và các cổ đông, thành viên góp vốn của công ty; (C) quan hệ giữa công ty và người lao động; (D) quan hệ giữa công ty và người quản lý, điều hành công ty. Các mối quan hệ của công ty được điều chỉnh bởi quy định pháp luật và các hợp đồng, thỏa thuận được công ty ký kết trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và vì mục tiêu chung.

Trong quá trình kinh doanh, dù không mong muốn nhưng những mâu thuẫn, bất đồng trong các mối quan hệ vẫn thường xảy ra do có sự khác biệt về góc nhìn, cách ứng xử và xung đột về quyền lợi. Để giải quyết những bất đồng này, giải pháp luôn được doanh nghiệp ưu tiên trước hết là Thương lượng, tiếp theo là Hòa giải. Sự việc nếu được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải và với sự tự nguyên thi hành các nội dung đã thống nhất bởi các bên, sẽ có lợi cho công ty trong việc tiết giảm chi phí, thời gian và là cơ sở để công ty duy trì, gắn kết hơn trong các mối quan hệ.

Khi thương lượng, hòa giải không thể giải quyết được tranh chấp, công ty phải đưa vụ việc ra cơ quan tài phán là Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật. Bên cạnh việc giải quyết tranh chấp theo phương thức truyền thống là Tòa án, hiện nay các doanh nghiệp  thường lựa chọn Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả trong kinh doanh và theo xu hướng giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế.

Trọng tài có thể giải quyết được những tranh chấp nào trong kinh doanh?

Theo Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam (Điều 2), các tranh chấp trong kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài là: (1) Tranh chấp giữa các bên phát trinh từ hoạt động thương mại; (2) tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (3) tranh chấp giữa các bên mà pháp luật quy định giải quyết bằng Trọng tài. Với quy định này, các công ty có thể lựa chọn Trọng tài để giải quyết hầu hết các tranh chấp phát sinh trong các mối quan hệ của công ty như được nêu ở phần đầu của bài viết này [(A), (B), (C), (D)], trừ những tranh chấp mà pháp luật quy định Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp (ví dụ như: quan hệ lao động giữa công ty và người lao động theo Hợp đồng lao động, quan hệ giữa công ty về giao dịch đất đai theo Luật Đất đai…).

Điều kiện để Trọng tài giải quyết tranh chấp trong kinh doanh là công ty và bên còn lại có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài, có thể là một điều khoản trong hợp đồng, hoặc là một thỏa thuận độc lập với hợp đồng. Trong các hợp đồng, điều khoản trọng tài có thể được các  bên quy định là: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”. Thỏa thuận trọng tài được lập bằng văn bản, trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, theo các hình thức phù hợp quy định của Luật Trọng tài Thương mại.

Ưu điểm của giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng Trọng tài

  • Trọng tài là cơ quan tài phán tư, xét xử các tranh chấp kinh doanh theo sự “trao quyền” và tự thỏa thuận của các bên tranh chấp.  
  • Thủ tục tố tụng: Tố tụng trọng tài được tiến hành với thủ tục linh hoạt; ưu tiên và tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên tranh chấp hoặc từng quy tắc tố tụng của các tổ chức trọng tài.
  • Trọng tài viên: Tranh chấp được giải quyết bởi các Trọng tài viên do chính các bên tranh chấp lựa chọn. Trọng tài viên có thể là luật sư, chuyên gia pháp lý, doanh nhân, chuyên gia kỹ thuật, các đối tượng khác thích hợp và hiểu rõ thực tiễn để giải quyết các tranh chấp kinh doanh khác nhau.
  • Tính bảo mật: Tranh chấp được giải quyết không công khai; điều này đảm bảo các thông tin về kinh doanh của công ty và nội dung tranh chấp được bảo mật.
  • Thời gian: Khác với giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài chỉ có một cấp xét xử nên giải quyết tranh chấp tại trọng tài thông thường nhanh chóng hơn. Thời gian giải quyết vụ tranh chấp có thể được rút ngắn thời gian tối đa theo quyết định của các bên tranh chấp.
  • Tính chung thẩm: Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Một trong các bên tranh chấp không thể yêu cầu tòa án xem xét lại nội dung Phán quyết.
  • Sự công nhận quốc tế: Việt Nam là thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài; nên các Phán quyết trọng tài của Việt Nam có thể được công nhận và cho thi hành tại158 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước New York 1958.

________________

Một dẫn chứng thực tế về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài và việc công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là vụ tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Rạng Đông Holding (“Rạng Đông Holding”) và Công ty Sojitz Planet Corporation (Nhật Bản) (“Công ty Sojitz”). [Vụ việc được Rạng Đông Holding công bố thông tin tại https://rangdongholding.com.vn/cbtt-quyet-dinh-cua-toa-an-tp-ho-chi-minh/]

Năm 2017, Công ty Sojitz và Rạng Đông Holding ký kết hợp đồng mua bán cổ phần, theo đó Công ty Sojitz mua 05 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần nhựa Rạng Đông Long An với giá hơn 174 tỉ đồng và đã thanh toán đủ. Sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần, Công ty Sojitz cho rằng Rạng Đông Holding vi phạm một số nghĩa vụ, cam kết tại hợp đồng mua bán cổ phần. Vì vậy, Công ty Sojitz thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng, yêu cầu Rạng Đông Holding hoàn trả 90% giá mua cổ phần đã thanh toán tương đương gần 157 tỉ đồng; và tiến hành vụ kiện tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC).

Đến ngày 06/7/2022, Hội đồng Trọng tài thuộc SIAC đã ban hành Phán quyết số 090 năm 2022: Nguyên đơn (Công ty Sojitz) thắng kiện, Bị đơn (Rạng Đông Holding) buộc phải trả cho Công ty Sojitz các khoản tiền: gần 157 tỉ đồng, khoản tiền lãi 10%/năm đối với số tiền nêu trên tính từ ngày 01/4/2020 cho đến ngày thanh toán, các loại phí và lệ phí của trọng tài, phí hành chính và lệ phí của SIAC với số tiền 371.563 SGD (hơn 6 tỉ đồng).

Sau đó, theo yêu cầu của Rạng Đông Holding, tháng 01/2023 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định không công nhận Phán quyết  090 năm 2022 của Hội đồng trọng tài thuộc SIAC. Tuy nhiên, theo kháng cáo của Công ty Sojitz, ngày 24/8/2023 Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết trọng tài số 090 năm 2022 của Hội đồng trọng tài thuộc SIAC.

___________

Doanh nghiệp nên chuẩn bị gì cho giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng trọng tài?

Với những ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài; việc lựa chọn Trọng tài là phương thức giải quyết các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh của công ty là cần thiết và là xu hướng giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế, mà Việt Nam là thành viên của Công ước New York 1958 từ năm 1995.

Khi lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, các doanh nghiệp nên chọn tổ chức trọng tài uy tín, chuyên nghiệp, phù hợp với đặc điểm về chủ thể, đối tượng giao dịch, địa điểm thực hiện hợp đồng, nơi thi hành án sau này… tương ứng với mỗi hợp đồng, thỏa thuận. Đồng thời, các bên nên lưu ý soạn thảo điều khoản trọng tài hợp pháp, nhằm tránh thỏa thuận trọng tài rơi vào các trường hợp vô hiệu hay không thể thực hiện được…

Việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài có nhiều khác biệt [so với Tòa án], các bên nên có sự tham gia của luật sư tranh tụng chuyên sâu về trọng tài. Cùng với luật sư, mỗi bên sẽ xây dựng chiến lược đúng đắn cho vụ tranh chấp, lựa chọn trọng tài viên uy tín và phù hợp, quản trị quá trình tố tụng, kịp thời và chủ động cung cấp chứng cứ, thông tin đến Hội đồng Trọng tài; nhằm đạt được mục tiêu, hiệu quả về thời gian, chi phí.

SENLAW

Tin tức khác

MV “Chẳng Thể Nhắm Mắt” và cá nhân Hùng Huỳnh không vi phạm bất kỳ quyền tác giả và quyền liên quan nào đối với MV “Standing Next To You” như các quyền đặt tên, đứng tên, làm tác phẩm phái sinh, sao chép, công bố, hay bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các quy định liên quan.

Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy một số quy định về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn chưa thống nhất nhận thức; một số vấn đề về tạm ngừng phiên tòa phát sinh trong thực tế nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh như: Hình thức tồn tại của quyết định tạm ngừng phiên tòa; sau khi có quyết định tạm ngừng phiên tòa, HĐXX phải thông báo cho những chủ thể nào và việc...

Áp dụng tập quán được xem là một giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, cũng là cơ sở để hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng tập quán trong công tác xét xử hiện nay.

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty; yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” tại Bản án số 06/2022/KDTM-ST ngày 18/8/2022 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.