028 7307 3579

HotLine

Ngôn ngữ

Quyền miễn trừ làm chứng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

Để bảo vệ người làm chứng tham gia hoạt động tố tụng hình sự, pháp luật đã có các quy định bảo vệ người làm chứng, về loại trừ trách nhiệm đối với người có mối quan hệ nhân thân với người phạm tội và quy định cụ thể về những người không được làm chứng. Tuy nhiên, cần xây dựng chế định về quyền miễn trừ làm chứng.

1. Về quyền miễn trừ làm chứng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

Làm chứng là việc người làm chứng trình bày những tình tiết liên quan đến vụ việc, vụ án với cơ quan tiến hành tố tụng nhằm xác định sự thật khách quan. Về bản chất, làm chứng chính là việc thực hiện nghĩa vụ khai báo và lời khai của họ là nguồn chứng cứ. Theo đó, miễn trừ làm chứng là miễn trừ nghĩa vụ khai báo của người làm chứng. Điều này tương tự như quyền im lặng của người bị buộc tội đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Việc mở rộng đối tượng áp dụng quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo sang người làm chứng là kết quả của sự phát triển trong nhận thức về quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người và sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong tố tụng hình sự.

Hiểu ở góc độ hẹp, quyền miễn trừ làm chứng là không trình bày lời khai chống lại bản thân mình hoặc người thân của mình (lời khai đó có thể dùng để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) mình hoặc người thân của mình). Theo nghĩa rộng, quyền miễn trừ làm chứng là quyền của cá nhân từ chối trình bày lời khai chống lại bản thân và chống lại người thân của mình, đồng thời là quyền của những người mà luật cấm lấy lời khai với tư cách người làm chứng. Theo  đó, người có quyền miễn trừ làm chứng là có quyền không tham gia tố tụng hình sự, trong khi lẽ ra họ phải có nghĩa vụ này. Như vậy, có thể thấy rằng quyền miễn trừ làm chứng có những đặc điểm sau:

(1) Chỉ người tham gia tố tụng với tư cách pháp lý là người làm chứng mới được hưởng quyền miễn trừ làm chứng.

Những người đó phải biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Cần phân biệt rõ người làm chứng được miễn trừ làm chứng và người không đủ điều kiện tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng trong trường hợp người đó có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn (điểm b khoản 2 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015).

(2) Là chế định bảo vệ quyền của người làm chứng, cần được các cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng.

Quyền miễn trừ làm chứng là phương tiện để bảo vệ quyền của người làm chứng. Để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ việc, vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền lấy lời khai người làm chứng và yêu cầu người làm chứng tham gia một số hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Quyền miễn trừ làm chứng trong tố tụng hình sự đối với một số chủ thể trong những trường hợp nhất định cũng góp phần loại trừ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người làm chứng. Mặt khác, người làm chứng khi có lý do như vụ án liên quan đến thân nhân, nội dung khai báo ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ hoặc không khai báo để che giấu hành vi vi phạm khác (như về đạo đức, tôn giáo, phong tục, tập quán...) sẽ không đảm bảo được họ sẽ luôn thực hiện nghĩa vụ khai báo trung thực. Thậm chí, nếu người làm chứng là trẻ em thì việc làm chứng trong một số vụ việc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sự phát triển bình thường của trẻ.

(3) Là đặc quyền, chỉ người làm chứng có đặc điểm nhất định mới được hưởng quyền miễn trừ làm chứng.

Nguyên tắc chung là người làm chứng có nghĩa vụ trình bày những gì họ biết để giúp quá trình giải quyết vụ việc, vụ án được nhanh chóng, khách quan, chính xác. Nghĩa vụ khai báo và miễn trừ nghĩa vụ khai báo đều được quy định trong pháp luật mà trong đó, chỉ đối với một số chủ thể hoặc trong một số trường hợp cụ thể thì luật mới cho phép họ không có nghĩa vụ khai báo hoặc không phải thực hiện một phần nghĩa vụ khai báo với lý do chính đáng hoặc quy định cơ quan tiến hành tố tụng không yêu cầu khai báo.

Với quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, một số nhóm người làm chứng sẽ không bị truy cứu TNHS khi không thực hiện nghĩa vụ khai báo, mặc dù họ biết, có khả năng biết được những tình tiết liên quan đến vụ án. Có thể gọi đó là đặc quyền mà chỉ người làm chứng có đặc điểm nhất định như quan hệ huyết thống, nghề nghiệp... được hưởng.

(4) Một người có quyền miễn trừ làm chứng thì người đó có thể lựa chọn sử dụng hay không sử dụng quyền này khi tham gia tố tụng hình sự.

Quyền và nghĩa vụ của người được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là người làm chứng đều như nhau và họ phải thực hiện theo quy định tại Điều 66 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, khi người làm chứng có quyền miễn trừ làm chứng thì họ có thể sử dụng hoặc không sử dụng quyền này khi tham gia tố tụng. Để người làm chứng nhận thức rõ quyền miễn trừ của mình, lựa chọn sử dụng quyền miễn trừ hay không, thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần giải thích rõ quyền này và tác động từ lời khai của họ đến quá trình giải quyết vụ án.

- Người có quyền miễn trừ làm chứng theo quy định pháp luật Việt Nam:

Với các quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) và BLTTHS năm 2015, một số đối tượng sau có quyền miễn trừ làm chứng:

(1) Nhóm chủ thể không được yêu cầu khai báo với tư cách là người làm chứng, bao gồm:

- Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia với tư cách người làm chứng trong vụ án đó (Điều 49 BLTTHS năm 2015). Như vậy, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thể đồng thời tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng trong cùng một vụ án. Quy định quyền miễn trừ làm chứng cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phù hợp với nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo Điều 21 BLTTHS năm 2015. Trong tố tụng hình sự, Điều tra viên, Kiểm sát viên là đại diện bên buộc tội nhân danh Nhà nước nên không thể tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người tham gia tố tụng khác. Hơn nữa, niềm tin nội tâm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều dựa trên chứng cứ đã thu thập được. Họ là những người biết những tình tiết của vụ án, nhưng vì lý do công vụ, nhiệm vụ của họ là tìm ra sự thật khách quan của vụ việc, vụ án, nên không thể là người làm chứng.

- Người bào chữa của bị can, bị cáo: Theo BLTTHS năm 2015, người bào chữa không được triệu tập khai báo với tư cách người làm chứng (điểm a khoản 2 Điều 55), mặc dù họ có khả năng biết được những tình tiết của vụ án thông qua hoạt động bào chữa. Việc người làm chứng không được làm chứng khi đã tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa của người bị buộc tội trong cùng một vụ án đang giải quyết được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 66 BLTTHS năm 2015. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định và được tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người bào chữa có thể là Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý. Việc quy định người bào chữa không được làm chứng xuất phát từ việc người bào chữa tham gia tố tụng để thực hiện chức năng gỡ tội cho người bị buộc tội nên nếu họ làm chứng sẽ không khách quan. Đồng thời, khi thực hiện chức năng gỡ tội, người bào chữa với trình độ hiểu biết pháp luật và quá trình thu thập chứng cứ có thể biết được nhiều tình tiết vụ án, có khả năng khai báo các tình tiết khách quan của vụ án theo hướng làm giảm đi mức độ, hậu quả của tội phạm, nếu làm chứng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và những người tham gia tố tụng khác, gây khó khăn cho việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Nghĩa vụ của người bào chữa là sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, không tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa... mâu thuẫn với nghĩa vụ của người làm chứng là trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, vụ án mà mình biết được.

(2) Nhóm chủ thể có nghĩa vụ khai báo nhưng được pháp luật cho phép từ chối nghĩa vụ khai báo.

Việc từ chối khai báo trong quá trình tham gia tố tụng của người làm chứng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho việc điều tra, phát hiện người phạm tội, đồng thời cũng gây khó khăn cho việc ngăn chặn kịp thời các thiệt hại xảy ra, cũng như cho quá trình chứng minh tội phạm. Tuy nhiên, pháp luật cũng trao cho người làm chứng quyền từ chối khai báo theo khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 19 BLHS năm 2015: Nếu người nào là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội cho dù biết rõ các tình tiết của tội phạm nhưng không khai báo (che giấu, không tố giác) thì cũng không phải chịu TNHS, trừ các trường hợp về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là nếu người làm chứng là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì trong một số trường hợp, họ có thể có quyền miễn trừ làm chứng, cụ thể là từ chối việc khai báo những nội dung mà họ biết liên quan đến tội phạm và người phạm tội. Việc pháp luật quy định những đối tượng làm chứng có quan hệ đặc biệt với người phạm tội có quyền từ chối khai báo là phù hợp với quy định về không tố giác tội phạm (các đối tượng trên không tố giác tội phạm cũng không phải chịu TNHS). Quy định này thể hiện tư tưởng nhân đạo và sự quan tâm của Nhà nước đối với khía cạnh đạo đức, truyền thống trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

2. Một số đề xuất, kiến nghị bổ sung các trường hợp miễn trừ làm chứng

Quyền miễn trừ làm chứng là một trong những nội dung tiến bộ thể hiện tư tưởng nhân đạo của tố tụng hình sự. Quyền miễn trừ làm chứng không vi phạm nghĩa vụ làm chứng của công dân, không đồng nhất với trường hợp từ chối làm chứng không có lý do chính đáng. Trên thế giới, một số quốc gia cũng ghi nhận quyền miễn trừ làm chứng như là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Điều 308 BLHS Liên bang Nga quy định: “Người làm chứng không phải chịu TNHS trong trường hợp từ chối trình bày lời khai chống lại bản thân mình, vợ hoặc chồng hoặc người thân của mình”. Điều 52 BLTTHS Đức quy định: “1. Những người sau đây, được hưởng quyền miễn trừ làm chứng: Người có quan hệ thân thích trực hệ trong phạm vi ba đời với bị cáo hoặc là vợ, chồng của bị cáo; 2. Người chưa thành niên do khả năng nhận thức chưa hoàn thiện chưa thể nhận thức đầy đủ ý nghĩa của quyền miễn trừ làm chứng, chỉ trong trường hợp họ tự nguyện làm chứng và được cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ đồng ý, mới có thể lấy lời khai với tư cách nhân chứng”.

Nghiên cứu, tham khảo từ thực tiễn lập pháp trên thế giới, tác giả cho rằng để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của người làm chứng, quyền miễn trừ làm chứng trong những trường hợp nhất định cần được coi là quyền cơ bản. Với vị trí, vai trò là quyền cơ bản, quyền miễn trừ làm chứng trong pháp luật tố tụng hình sự cần được quy định, ghi nhận trong Hiến pháp tại phần các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và trong BLTTHS. Theo đó, các trường hợp sau đây có quyền miễn trừ làm chứng:

- Quyền miễn trừ làm chứng khi thấy lời khai của mình có thể được dùng để truy cứu TNHS đối với chính bản thân mình:

Người tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, sau đó có thể trở thành người bị buộc tội trong trường hợp những lời khai của họ là chứng cứ để buộc tội chính họ. Trong trường hợp này, khi tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, họ có nghĩa vụ phải trình bày trung thực những gì mà họ biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhưng chính những nội dung họ trình bày có thể là một trong những căn cứ để buộc tội họ, dẫn đến sự thay đổi bất lợi về tư cách tố tụng. Trình bày lời khai hay trình bày ý kiến là quyền của người bị buộc tội, họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền đó và người bị buộc tội không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, nhưng trình bày những tình tiết liên quan đến vụ việc, vụ án lại là nghĩa vụ của người làm chứng. Việc người làm chứng bắt buộc phải trình bày lời khai cho dù lời khai đó chống lại chính họ sẽ đẩy họ vào nguy cơ bị truy cứu TNHS. Có 03 vấn đề cần lưu ý trong trường hợp này, đó là:

Thứ nhất, người làm chứng trong trường hợp họ liên quan đến tội phạm, tham gia với tư cách là người làm chứng sẽ khiến họ lâm vào tình thế hoàn toàn bất lợi, có thể trở thành người bị buộc tội vì chính lời khai của mình. Điều này chưa thể hiện hết tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật theo BLTTHS năm 2015.

Thứ hai, khi địa vị pháp lý thay đổi từ người làm chứng chuyển thành người bị buộc tội, giá trị pháp lý của lời khai mà trước đó người bị buộc tội đã khai với tư cách là người làm chứng được đánh giá và có giá trị như thế nào trong việc chứng minh tội phạm khi thay đổi tư cách tố tụng.

Thứ ba, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định người làm chứng có quyền từ chối khai báo trong trường hợp người làm chứng là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Như vậy, pháp luật quy định khi thấy người thân của mình có thể phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi do lời khai của chính mình, người làm chứng có quyền không thực hiện nghĩa vụ khai báo, nhưng lại không quy định quyền này khi thấy chính bản thân họ đứng trước nguy cơ bị truy cứu TNHS là chưa hợp lý.

Từ những phân tích trên cho thấy, pháp luật tố tụng hình sự cần trao cho người làm chứng quyền miễn trừ làm chứng, là quyền được không trình bày lời khai về bất kỳ tình tiết, sự kiện nào đó của vụ việc, vụ án khi thấy lời khai của mình có thể được dùng để truy cứu TNHS đối với bản thân mình. Quyền miễn trừ này cần được thừa nhận không chỉ vì lợi ích riêng của người làm chứng mà còn là một biện pháp đảm bảo thực hiện quyền con người trong tố tụng hình sự.

- Công nhận quyền miễn trừ làm chứng đối với người dưới 18 tuổi:

Quá trình tham gia tố tụng, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng thủ tục đặc biệt theo quy định tại Chương XXVIII BLTTHS năm 2015, theo đó phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ. Khác với người thành niên, người dưới 18 tuổi do hạn chế về độ tuổi và nhận thức, chưa thể tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, chưa hình thành các mối quan hệ đa dạng, phức tạp. Do vậy, tùy theo các trường hợp về độ tuổi, mối quan hệ với người bị buộc tội, bị hại, người dưới 18 tuổi có quyền miễn trừ làm chứng. Ngay cả khi quyền miễn trừ làm chứng không được ghi nhận đối với người làm chứng nói chung thì người dưới 18 tuổi cũng cần được công nhận quyền này, xuất phát từ việc bảo vệ sự phát triển bình thường cả thể chất và tinh thần ở trẻ em và tính nhân văn, bảo vệ và nuôi dưỡng tình cảm gia đình, cũng như môi trường sống trong gia đình của trẻ. Thực tế, có trường hợp trẻ chứng kiến vụ việc, vụ án có tính chất bạo lực bị ám ảnh, dễ bị kích động khi được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu khai báo. Do đó, những trường hợp này, căn cứ mức độ cần thiết và quan trọng của việc lấy lời khai người làm chứng để quyết định cho người làm chứng dưới 18 tuổi có quyền miễn trừ làm chứng.

- Quyền miễn trừ làm chứng trong một số trường hợp khác:

Xem xét các trường hợp người làm chứng có nghĩa vụ khai báo nhưng được pháp luật cho phép từ chối nghĩa vụ khai báo và quy định của BLTTHS năm 2015 về việc không công bố tài liệu của người tham gia tố tụng (khoản 3 Điều 308), tác giả nhận thấy quyền miễn trừ làm chứng cần được mở rộng hơn đối với những người làm chứng có địa vị xã hội, nghề nghiệp, nhân thân đặc biệt để đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Một số đối tượng cần được mở rộng là: (1) Người có địa vị xã hội có thể là người có chức sắc trong tôn giáo, người có uy tín cao trong dân tộc ít người... nắm giữ những bí mật về cộng đồng tôn giáo, dân tộc của họ mà nếu khai ra với người khác, họ sẽ vi phạm nghĩa vụ với cộng đồng đó; (2) Người làm ở một số nghề nghiệp nhất định như bác sĩ, dược sĩ, công nghệ thông tin, công chức, viên chức nhà nước, nhà báo... có nhiệm vụ đặc biệt liên quan đến bí mật nhà nước được quyền từ chối đưa ra chứng cứ vì lý do bí mật nghề nghiệp, nếu tiết lộ sẽ gây thiệt hại cho họ, tổ chức và xã hội.

Những người này có quyền giữ im lặng đối với những vấn đề liên quan đến chuyên môn hay thẩm quyền của mình. Những người làm chứng thuộc các trường hợp đặc biệt trên phải được thông báo về quyền miễn trừ của mình, không phải khai báo khi bị thẩm vấn và có thể tự quyết định từ bỏ quyền này. Nếu người làm chứng không được thông báo về quyền này thì lời khai của họ không được thừa nhận là chứng cứ, trừ khi người làm chứng đã biết quyền này và họ quyết định vẫn khai báo bình thường.

Trên cơ sở các tình tiết của mỗi vụ án cụ thể và nhân thân người làm chứng, cơ quan tiến hành tố tụng xác định có áp dụng quyền miễn trừ làm chứng đối với họ hay không. Việc thực hiện quyền miễn trừ làm chứng trong những trường hợp này cần được xem xét, kiểm tra, đánh giá cẩn trọng, tránh tình trạng người làm chứng lợi dụng, lạm dụng để từ chối khai báo, gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo các khoản 1, 2 Điều 29 Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993, thành viên của cơ quan lãnh sự có thể là người làm chứng trong hoạt động tố tụng, nhưng họ không bị buộc phải cung cấp chứng cứ liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của họ; nếu viên chức lãnh sự từ chối cung cấp chứng cứ thì họ không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc hình phạt nào khác. Từ quy định trên, có thể hiểu, thành viên của cơ quan lãnh sự, viên chức lãnh sự có quyền miễn trừ làm chứng bởi đặc thù tính chất công tác ngoại giao của họ. Cùng với việc quy định về quyền miễn trừ làm chứng mà tác giả đã đề cập bổ sung, nội dung này cần được pháp điển hóa trong BLTTHS.

_____

Nguyễn Thị Ny (Tạp chí Kiểm sát số 15/2023

 

Tin tức khác

MV “Chẳng Thể Nhắm Mắt” và cá nhân Hùng Huỳnh không vi phạm bất kỳ quyền tác giả và quyền liên quan nào đối với MV “Standing Next To You” như các quyền đặt tên, đứng tên, làm tác phẩm phái sinh, sao chép, công bố, hay bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các quy định liên quan.

Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy một số quy định về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn chưa thống nhất nhận thức; một số vấn đề về tạm ngừng phiên tòa phát sinh trong thực tế nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh như: Hình thức tồn tại của quyết định tạm ngừng phiên tòa; sau khi có quyết định tạm ngừng phiên tòa, HĐXX phải thông báo cho những chủ thể nào và việc...

Áp dụng tập quán được xem là một giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, cũng là cơ sở để hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng tập quán trong công tác xét xử hiện nay.

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty; yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” tại Bản án số 06/2022/KDTM-ST ngày 18/8/2022 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.