Thiệt hại được bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm trong pháp luật dân sự
Trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, vấn đề xác định thiệt hại được bồi thường, đặc biệt là khi tính mạng bị xâm phạm còn vướng mắc, bất cập liên quan đến: Giai đoạn trước khi người bị xâm phạm chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng và bồi thường tiền cấp dưỡng.
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có nhiều thay đổi so với các BLDS trước đây về thiệt hại được bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm. Ngày 26/9/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 02/2022). Vấn đề thiệt hại về tinh thần được bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm đối với giai đoạn sau khi chết (phát sinh cho người thân) quy định tại khoản 2 Điều 591 BLDS năm 2015; thiệt hại về vật chất được bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 02/2022.
1. Đối với giai đoạn trước khi chết
Trường hợp chết sau một thời gian bị xâm phạm: Khi tính mạng một cá nhân bị xâm phạm, có hai trường hợp phổ biến sau: Cá nhân chết tại thời điểm bị xâm phạm và cá nhân chết một thời gian sau khi bị xâm phạm.
Khi cá nhân chết tại thời điểm bị xâm phạm (như bị đâm và chết ngay, bị tai nạn và chết ngay), tính mạng không được bồi thường mà thiệt hại do cái chết này gây ra được bồi thường. Cụ thể, người bị xâm phạm về tính mạng (đã chết) không được bồi thường (không có quyền được bồi thường) trên cơ sở Điều 16 BLDS năm 2015, theo đó “năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự” (khoản 1) và “năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết” (khoản 2). Ở đây, cái chết gây ra thiệt hại cho người còn sống (đặc biệt là người thân của người có tính mạng bị xâm phạm) và người còn sống được bồi thường thiệt hại (thiệt hại của chính người thân do cái chết gây ra) như được bồi thường tiền cấp dưỡng, chi phí mai táng.
Khi cá nhân không chết tại thời điểm bị xâm phạm, họ có một giai đoạn còn sống và giai đoạn này ngắn hay dài tùy vào hoàn cảnh. Trường hợp rất phổ biến là cá nhân bị xâm phạm sống một vài ngày sau đó chết, nhưng cũng có trường hợp cá nhân bị xâm phạm sống nhiều tháng, thậm chí vài năm sau đó mới chết (cái chết vẫn bắt nguồn từ việc cá nhân bị xâm phạm). Đối với giai đoạn sau khi chết, thiệt hại được bồi thường là thiệt hại cho những người còn sống do chính họ bị thiệt hại do cái chết gây ra. Đối với giai đoạn trước khi chết, việc bồi thường được triển khai như thế nào? Cụ thể, được bồi thường thiệt hại gì? Nội dung dưới đây cho thấy người được bồi thường là người bị xâm phạm và thiệt hại được bồi thường gồm cả thiệt hại vật chất và tổn thất tinh thần.
Về thiệt hại vật chất được bồi thường: Thiệt hại vật chất được bồi thường cho người bị xâm phạm đối với giai đoạn trước khi chết, pháp luật đã có sự thay đổi.
Điểm a khoản 1 Điều 610 BLDS năm 2005 quy định: “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết”. Như vậy, chỉ một phần thiệt hại đối với sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường là chi phí nêu trên, các thiệt hại khác khi sức khỏe bị xâm phạm không được BLDS năm 2005 quy định cho bồi thường như thiệt hại của người chăm sóc, mất/giảm thu nhập của người có sức khỏe bị xâm phạm. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 590 BLDS năm 2015 đã quy định: “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này”. Theo đó, không phải một hay một số loại thiệt hại tại Điều 590 (về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm) được bồi thường mà toàn bộ thiệt hại nêu trong Điều 590 được bồi thường đối với giai đoạn trước khi cá nhân chết.
Đồng thời, khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 02/2022 quy định: “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 591 của BLDS được xác định như sau: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 BLDS, được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết này, được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết”. Có thể thấy, đối với thiệt hại vật chất, hướng dẫn trên là phù hợp với BLDS năm 2015.
Đối với tổn thất về tinh thần (quyền được bồi thường thường): Khoản 2 Điều 590 BLDS năm 2015 quy định: “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2022 không đề cập tới tổn thất về tinh thần, song không có nghĩa là tổn thất về tinh thần không được bồi thường ở giai đoạn sức khỏe bị xâm phạm bởi lẽ nội dung trên đã được BLDS năm 2015 ghi nhận tại khoản 2 Điều 590.
Đối với giai đoạn này, chính cá nhân người bị xâm phạm được bồi thường tổn thất về tinh thần vì các lý do sau: Thứ nhất, khi xây dựng quy định về giai đoạn trước khi chết trong điều luật về tính mạng bị xâm phạm (Điều 591), BLDS năm 2015 không liệt kê những loại thiệt hại được bồi thường (vì cách liệt kê như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu là thiệt hại không được liệt kê sẽ không được bồi thường nên rất bất lợi cho người bị thiệt hại) mà viện dẫn tới toàn bộ Điều 590, trong khi đó, khoản 2 Điều 590 quy định về bồi thường tổn thất về tinh thần. Ở đây, không chỉ toàn bộ thiệt hại vật chất nêu tại Điều 590 mà cả tổn thất về tinh thần nêu tại Điều 590 được bồi thường; thứ hai, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân (tức khả năng có quyền, có nghĩa vụ) chỉ “chấm dứt khi người đó chết” như Điều 16 nêu trên quy định, nên đối với giai đoạn trước khi chết (cá nhân vẫn còn khả năng có quyền trong đó có quyền được bồi thường), cá nhân bị xâm phạm vẫn có quyền được bồi thường thiệt hại mà chính họ phải gánh chịu trong đó có quyền được bồi thường tổn thất về tinh thần. Bên cạnh đó, Điều 18 BLDS năm 2015 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”, trong khi đó BLDS năm 2015 không có quy định loại trừ khả năng được bồi thường tổn thất về tinh thần đối với giai đoạn trước khi chết; luật khác nếu có quy định thì phạm vi áp dụng chỉ giới hạn trong phạm vi của luật đó, không ảnh hưởng tới trường hợp khác được BLDS điều chỉnh.
Về cách thức bồi thường tổn thất về tinh thần: Tùy vào giai đoạn trước khi chết ngắn hay dài mà người đứng ra yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần khác nhau. Nếu khoảng thời gian này dài, người có sức khỏe bị xâm phạm còn sống được thực hiện quyền yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần mà chính họ gánh chịu và nếu sức khỏe không cho phép thì người đại diện của họ sẽ yêu cầu thay. Khi người đại diện yêu cầu bồi thường, đây không là thiệt hại của người đại diện mà là thiệt hại của người được đại diện (người bị xâm phạm) nên người đại diện chỉ yêu cầu thay. Chẳng hạn, ông A bị xâm hại tới mức cần người giám hộ. Lúc này, vợ ông A yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần mà chính ông A gánh chịu; tiền bồi thường là tiền bồi thường cho chính ông A, không phải là tiền bồi thường cho vợ ông A.
Thực tế, khoảng thời gian trước khi chết thường ngắn nên người bị xâm phạm chưa kịp yêu cầu bồi thường mà đã chết. Ở đây, quyền được bồi thường trong đó có quyền được bồi thường tổn thất về tinh thần của người bị xâm phạm đã tồn tại (đã phát sinh ở giai đoạn còn sống) nhưng việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường chưa được triển khai ở giai đoạn người đó còn sống. Quyền được bồi thường này là quyền mang tính tài sản nên không chấm dứt khi cá nhân chết, do vậy, quyền này được chuyển cho những người thừa kế trên cơ sở Điều 614 BLDS năm 2015, theo đó: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Với quy định này, người thừa kế được pháp luật cho phép kế thừa quyền được bồi thường của người bị xâm phạm và được yêu cầu chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thực hiện trách nhiệm bồi thường. Ở đây, người thừa kế yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng đó không là thiệt hại mà người thừa kế phải gánh chịu, đó là thiệt hại mà người bị xâm phạm đã phải gánh chịu và quyền yêu cầu bồi thường của người bị xâm phạm được chuyển sang người thừa kế.
Theo khoản 2 Điều 591 BLDS năm 2015, “người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Có ý kiến cho rằng có quy định này rồi nên không cho bồi thường tổn thất về tinh thần đối với giai đoạn trước khi cá nhân bị xâm phạm chết; tuy nhiên, tác giả cho rằng, ý kiến trên không phù hợp, bởi các lý do sau: Thứ nhất, thiệt hại nêu tại khoản 2 Điều 591 là thiệt hại của người còn sống do cái chết gây ra (ở đây là “người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất” của người bị xâm phạm), không phải thiệt hại của người bị xâm phạm; thứ hai, khoản 2 Điều 591 tập trung vào thiệt hại của chính người còn sống (do chính họ phải gánh chịu), không đề cập và cũng không loại trừ thiệt hại của người bị xâm phạm trước khi chết. Nói cách khác, các thiệt hại này đều là thiệt hại về tinh thần được bồi thường nhưng bản chất khác nhau (thiệt hại phát sinh do sự đau đớn của người bị xâm phạm và thiệt hại phát sinh cho người thân của họ do cái chết gây ra) và chúng không loại trừ nhau (tức được kết hợp với nhau).
2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng
Chi phí mai táng được ghi nhận từ rất sớm ở Việt Nam. Theo Điều 494 Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê): “Người trông nom công dịch mà đánh người phục dịch đến chết, thì xử tội đồ, và phải phạt một nửa số tiền đền mạng; ngộ sát, thì chỉ phải đền tiền mai táng 20 quan”. Tương tự, theo Điều 498: “Vì chơi đùa mà làm người bị thương hay chết, thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương hay chết người hai bậc (nghĩa là những người hẹn cùng nhau đùa, đấu sức, lỡ đánh chết), và bắt trả tiền mai táng 20 quan”.
Theo điểm b khoản 1 Điều 591 BLDS năm 2015, “thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc mai táng”.
Bộ luật Dân sự quy định về việc bồi thường chi phí, nhưng đó phải là chi phí “cho việc mai táng” và là chi phí “hợp lý”. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 03/2006) và Nghị quyết số 02/2022 đều hướng dẫn những loại chi phí được bồi thường và những loại chi phí không được bồi thường, cụ thể:
- Chi phí được bồi thường:
Trước đây, Nghị quyết số 03/2006 hướng dẫn: “Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: Các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung” (đoạn 2.2 Mục II). Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 02/2022 hướng dẫn: “Chi phí hợp lý cho việc mai táng đối với các khoản tiền: Mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương”.
Như vậy, Nghị quyết số 02/2022 đã bổ sung 02 loại chi phí được bồi thường là “chi phí hỏa táng, chôn cất” bên cạnh việc giữ lại các chi phí được ghi nhận trong Nghị quyết số 03/2006.
- Chi phí mai táng khác được bồi thường:
Ngoài những chi phí được liệt kê trong hai Nghị quyết nêu trên, thực tiễn xét xử còn chấp nhận những chi phí mai táng khác, cụ thể: Nghị quyết liệt kê chi phí mua hoa nhưng thực tiễn xét xử chấp nhận cả chi phí mua quả/trái cây để phục vụ cho việc tang lễ và thực tiễn cũng đã chấp nhận cho bồi thường chi phí “thuê xe chuyển xác”, tiền “gửi xác trong phòng lạnh”, “tiền thuê nhà tang lễ” (có sự tương đồng với pháp luật của Australia, theo đó, chi phí tang lễ cho người bị thiệt hại “bao gồm chi phí ướp xác và chi phí bảo quản tại nhà xác, chi phí thông báo tang lễ…”). Trong thực tiễn, Tòa án còn cho bồi thường “tiền bồi dưỡng cho những người mai táng”, “tiền thuê rạp và bàn ghế”, “chi phí mua mũ rơm cho các con, cháu” hay “tiền nhạc công, kèn trống”, “chi phí trả công đào, đắp mộ”. Đây là những chi phí chưa được liệt kê trong Nghị quyết số 02/2022 nhưng đã được Tòa án cho bồi thường và nên vận dụng cho các hoàn cảnh tương tự.
Khi một người chết, người thân phải đi lại để dự lễ tang và liệu chi phí đi lại dự lễ tang có được bồi thường không? Trong một vụ tranh chấp mà một cá nhân có tính mạng bị xâm phạm và một số người thân đi dự lễ tang bằng máy bay, Hội đồng Thẩm phán đã xét rằng “chi phí hợp lý cho việc mai táng được chấp nhận, do đó chi phí cho việc dự lễ tang cần được xem xét nhưng chỉ chấp nhận đối với những người có quan hệ thân thích gần gũi với nạn nhân như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, con đẻ đi bằng phương tiện máy bay để kịp dự tang lễ”. Những viện dẫn trên cần được cân nhắc khi xem xét bồi thường chi phí mai táng khi tính mạng bị xâm phạm.
- Chi phí không được bồi thường:
Chi phí liên quan đến mai táng không được liệt kê: Trước đây, Nghị quyết số 03/2006 hướng dẫn: “Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...” (đoạn 2.2 Mục II). Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 02/2022 cũng hướng dẫn “không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ”.
Có thể thấy, hai nghị quyết đều liệt kê những chi phí không được bồi thường, song Nghị quyết số 03/2006 đưa ra một danh sách các chi phí không được bồi thường và kết thúc danh sách này bằng dấu “…” (danh sách mở). Còn Nghị quyết số 02/2022 kết thúc danh sách bằng dấu “.”; dẫn tới cách hiểu chỉ những chi phí được liệt kê không được bồi thường (danh sách “đóng”). Như vậy, cách tiếp cận như nghị quyết trước đây thuyết phục hơn Nghị quyết số 02/2022. Chẳng hạn, trước đây, Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm theo hướng không cho bồi thường chi phí chụp ảnh đám tang với nhận định: “Xác định tổng số tiền chi phí mai táng mà bà Vồi được bồi thường là 7.857.000 đồng (bao gồm cả tiền (…), chụp ảnh) là không phù hợp với quy định”. Hướng như vừa nêu tương thích với Nghị quyết trước đây vì Nghị quyết trước đây liệt kê những chi phí không được bồi thường và kết thúc bằng “…” và chi phí chụp ảnh thuộc phần “…” này. Tuy nhiên, quy định như Nghị quyết số 02/2022 thì sẽ gặp lúng túng khi phải xử lý các chi phí như vừa nêu vì Nghị quyết này đưa ra danh sách các chi phí không được bồi thường trong đó không có chi phí chụp ảnh/quay phim vừa nêu và danh sách này kết thúc bằng dấu “.”, nên khó vận dụng trong thực tiễn. Do vậy, nên sửa đổi Nghị quyết số 02/2022 theo hướng như các Nghị quyết trước đây, trong khi chưa sửa đổi, thì nên coi đây là danh sách “mở” và có thể thêm những chi phí khác nữa không được bồi thường.
Một số chi phí được liệt kê (không được bồi thường): Hai nghị quyết liệt kê những chi phí không được bồi thường, trong đó có chi phí gây tranh cãi, cần được nghiên cứu thêm. Cụ thể, trong các nghị quyết, “xây mộ” không được bồi thường mặc dù liên quan đến mai táng. Hướng này có điểm chưa thuyết phục vì đây là chi phí cần thiết cho việc mai táng.
Hai nghị quyết còn theo hướng dẫn không bồi thường chi phí “ăn uống”. Quy định như vậy dẫn tới cách hiểu phổ biến là mọi chi phí “ăn uống” đều không được chấp nhận. Tuy nhiên, quy định và cách hiểu đó là không thuyết phục. Theo tác giả, có những chi phí “ăn uống” cần thiết cho việc mai táng, nên cần được chấp nhận.
Trường hợp chi phí không hợp lý: Trong một số trường hợp, chi phí cho việc mai táng tồn tại nhưng quá cao (không hợp lý), vấn đề đặt ra là phải xử lý trường hợp này như thế nào?
Trước đây, Nghị quyết số 03/2006 hướng dẫn: “Các khoản chi phí hợp lý quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 609, các điểm b và c khoản 1 Điều 610 và điểm a khoản 1 Điều 611 BLDS là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí” (đoạn 4 Mục I). Ở đây, tính hợp lý căn cứ vào “giá trung bình” nên quá cao thì áp dụng giá trung bình này vì đó là chi phí mà Nghị quyết xác định là “hợp lý”. Đó cũng là hướng được vận dụng trong thực tiễn xét xử. Chẳng hạn, có Tòa án đã xét rằng: “Riêng tiền mua hòm 35 triệu đồng theo giấy biên nhận ngày 01/05/2008 thì nó còn bao gồm các chi phí khác cần thiết cho việc mai táng nhưng số tiền 35 triệu đồng là quá cao so với mức trung bình của xã hội. Xét thấy cần điều chỉnh lại theo mức trung bình của xã hội với số tiền 20 triệu đồng là phù hợp”.
Nghị quyết số 02/2022 đã bỏ quy định này. Theo tác giả, hướng như nêu trên nên được duy trì khi áp dụng BLDS năm 2015 và Tòa án chỉ chấp nhận mức chi phí theo mức trung bình tại địa phương nếu mức chi phí bỏ ra là quá cao.
3. Bồi thường tiền cấp dưỡng
Theo điểm c khoản 1 Điều 591 BLDS năm 2015 thì “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng”. Quy định này đã có trong BLDS năm 2005 (điểm c khoản 1 Điều 610).
Nghị quyết số 02/2022 hướng dẫn xác định đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng với nội dung “cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết” và “đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình” (khoản 3 Điều 8). Ở đây, Nghị quyết còn nêu “mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nhưng không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng” (điểm a khoản 3 Điều 8).
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà Nghị quyết hướng dẫn không phù hợp với BLDS, chưa giải quyết được, cụ thể:
Thời điểm bắt đầu nghĩa vụ bồi thường (BLDS): Bồi thường tiền cấp dưỡng là bồi thường cho những người còn sống mà người có tính mạng phải cấp dưỡng và việc cấp dưỡng này kéo dài trong một thời gian. Điều 612 BLDS năm 2005 và Điều 593 BLDS năm 2015 thống nhất về thời điểm kết thúc việc cấp dưỡng: “Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân” và “Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết”.
Vấn đề đặt ra là việc cấp dưỡng bắt đầu từ thời điểm nào? Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định về thời điểm kết thúc nên đã gây khá nhiều lúng túng trong thực tiễn (không thống nhất về thời điểm bắt đầu). Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định về vấn đề này, tại Điều 593: “Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết” (khoản 2) và “Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống” (khoản 3).
Thời điểm bắt đầu nghĩa vụ bồi thường: Mặc dù BLDS năm 2015 quy định cụ thể, song Nghị quyết số 02/2022 vẫn hướng dẫn: “Thời điểm cấp dưỡng được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe” (điểm b khoản 3 Điều 8). Theo đó, thời điểm cấp dưỡng không được tính từ thời điểm cá nhân bị xâm phạm chết và, nếu có giai đoạn chưa chết ngay, là từ thời điểm sức khỏe bị xâm phạm nên mâu thuẫn với BLDS năm 2015.
Ví dụ: A gây tai nạn cho B vào ngày 01/4 nhưng đến 01/12, B mới chết. Theo BLDS năm 2015, thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày 01/12, nhưng theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2022 thì “Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết” (khoản 3 Điều 8) không được tính từ ngày 01/12 mà được tính từ ngày 01/4. Ngoài việc Nghị quyết số 02/2022 mâu thuẫn với Điều 593 BLDS năm 2015, hướng dẫn của Nghị quyết còn bất cập dẫn tới hệ quả người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường hai lần. Bởi lẽ, giai đoạn từ ngày 01/04 đến ngày 01/12 là trường hợp sức khỏe bị xâm phạm và người bị xâm phạm được bồi thường “thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút” (điểm b khoản 1 Điều 590 BLDS năm 2015); trong khi đó, từ thu nhập có được, người bị xâm phạm mới có thể thực hiện việc cấp dưỡng với người khác.
Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2022, người phải bồi thường phải bồi thường mất/giảm thu nhập cho người bị xâm phạm (tiền này một phần phục vụ cho việc cấp dưỡng) và đồng thời lại phải cấp dưỡng cho người mà người bị xâm phạm phải cấp dưỡng nên phải bồi thường hai lần. Nếu vận dụng hướng nêu trên cho trẻ sinh sau khi cha mất, thì phát sinh bất cập, đó là: Giả sử trong ví dụ trên, con của A sinh ngày 30/12 thì con của A được cấp dưỡng từ ngày 01/4, tức từ thời điểm chưa sinh ra và như vậy là mâu thuẫn với quy định tại Điều 16 BLDS năm 2015: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra” (hướng trong Nghị quyết cho bồi thường trước khi sinh ra nên đã theo hướng ghi nhận quyền được bồi thường thiệt hại trước khi sinh ra). Do vậy, cần sửa đổi quy định trên của Nghị quyết số 02/2022, trong trường hợp chưa sửa đổi được, thì áp dụng trực tiếp Điều 593 BLDS năm 2015.
Về cách thức thực hiện việc cấp dưỡng: Cấp dưỡng là công việc kéo dài trong một khoảng thời gian (với thời điểm bắt đầu và kết thúc như nêu trên). Theo khoản 1 Điều 585 BLDS năm 2015 (kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 605 BLDS năm 2005), “các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Ở đây, các bên được thỏa thuận về việc bồi thường tiền cấp dưỡng theo hướng thực hiện một lần hay nhiều lần, thực tế không ít trường hợp các bên thỏa thuận bồi thường một lần. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng đạt được thỏa thuận. Khi các bên không đạt được thỏa thuận về bồi thường tiền cấp dưỡng một lần, BLDS không có hướng xử lý cụ thể, Nghị quyết số 02/2022 cũng không hướng dẫn.
Trước đây, theo Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ: “Bộ luật Dân sự chỉ quy định thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm (bao gồm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động; tiền cấp dưỡng trong trường hợp người bị thiệt hại chết). Khi giải quyết yêu cầu đối với các khoản này, trước hết, Tòa án cần tiến hành hòa giải; nếu qua hòa giải mà các bên thỏa thuận được với nhau về phương thức bồi thường thiệt hại (hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần) thì Tòa án chấp nhận sự thỏa thuận của các bên về phương thức bồi thường thiệt hại đó”. Cũng theo Công văn số 81/2002 nêu trên, “trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức bồi thường thiệt hại hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, nếu người được bồi thường thiệt hại hoặc người được cấp dưỡng yêu cầu được bồi thường hoặc cấp dưỡng theo phương thức một lần và xét thấy yêu cầu của họ là chính đáng và người phải bồi thường, người có nghĩa vụ cấp dưỡng có điều kiện thi hành án thì Tòa án có thể quyết định phương thức một lần”. Theo tác giả, nội dung hướng dẫn trên là hợp lý và cần được đưa vào Nghị quyết số 02/2022. Trong khi chờ sửa đổi Nghị quyết, thì vận dụng tương tự cho vấn đề cấp dưỡng khi tính mạng bị xâm phạm.
______
GS.TS. Đỗ Văn Đại - Lê Hà Huy Phát (Tạp chí Kiểm sát số 14/2023)
MV “Chẳng Thể Nhắm Mắt” và cá nhân Hùng Huỳnh không vi phạm bất kỳ quyền tác giả và quyền liên quan nào đối với MV “Standing Next To You” như các quyền đặt tên, đứng tên, làm tác phẩm phái sinh, sao chép, công bố, hay bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các quy định liên quan.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy một số quy định về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn chưa thống nhất nhận thức; một số vấn đề về tạm ngừng phiên tòa phát sinh trong thực tế nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh như: Hình thức tồn tại của quyết định tạm ngừng phiên tòa; sau khi có quyết định tạm ngừng phiên tòa, HĐXX phải thông báo cho những chủ thể nào và việc...
Áp dụng tập quán được xem là một giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, cũng là cơ sở để hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng tập quán trong công tác xét xử hiện nay.
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty; yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” tại Bản án số 06/2022/KDTM-ST ngày 18/8/2022 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.