Trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp: [2] Một số quy định về Người đại diện Pháp nhân thương mại tham gia tố tụng vụ án hình sự
Ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 theo Luật số 12/2017/QH14 _ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 100/2015/QH13. Theo đó, doanh nghiệp sẽ có thể trở thành chủ thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định mới nếu doanh nghiệp đó là pháp nhân thương mại và phạm vào một trong các tội được quy định tại BLHS 2015 (“BLHS 2015”).
Trách nhiệm hình sự (“TNHS”) của pháp nhân thương mại là những quy định pháp luật hoàn toàn mới so với trước đây, Doanh nghiệp cần lưu ý để xem xét, điều chỉnh hành vi phù hợp, tránh những tổn thất về vật chất cũng như uy tín, hình ảnh, thương hiệu của Doanh nghiệp.
BLHS 2015 quy định chỉ có người đại diện theo pháp luật của Pháp nhân thương mại (“PNTM”) bị truy cứu trách nhiệm hình sự (“TNHS”) mới có đủ tư cách để đại diện cho PNTM đó tham gia các hoạt động tố tụng. PNTM phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Trường hợp người đó không thể tham gia tố tụng được thì phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng và phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Người đại diện theo pháp luật của PNTM tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về thông tin cá nhân của mình (họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ); nếu có sự thay đổi những thông tin này thì phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong trường hợp tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà PNTM không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho PNTM tham gia tố tụng.
Người đại diện theo pháp luật của PNTM bị truy cứu TNHS có 14 nhóm quyền tố tụng, trong đó có những quyền được cung cấp thông tin (được thông báo, giải thích; được biết lý do PNTM bị khởi tố; được nhận các quyết định,…); những quyền tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án (được đọc, ghi chép bản sao, tài liệu trong hồ sơ; xem biên bản phiên tòa...); những quyền được tham gia vào quá trình tố tụng (đưa ra chứng cứ, tài liệu; trình bày lời khai; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tự mình hoặc nhờ người khác bào chữa; tham gia phiên tòa; kháng cáo, khiếu nại).
Người đại diện theo pháp luật của PNTM khi tham gia tố tụng có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải và phải chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Triệu tập, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của PNTM
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải gửi giấy triệu tập cho chính người được triệu tập hoặc PNTM nơi người đó làm việc hoặc chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho người đại diện theo pháp luật của PNTM. Giấy triệu tập ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc làm việc của người đại diện theo pháp luật của PNTM; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Khi nhận giấy triệu tập, người đại diện theo pháp luật của PNTM phải ký nhận và ghi rõ ngày, giờ nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của người đại diện cho cơ quan đã triệu tập; nếu người đại diện không ký nhận thì phải lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập; nếu người đại diện vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình để ký xác nhận và chuyển cho người đại diện.
Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của PNTM phải do Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại trụ sở của PNTM. Việc lấy lời khai tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trường hợp lấy lời khai tại các địa điểm khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi có yêu cầu của người đại diện, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm lấy lời khai. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc lấy lời khai. Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của PNTM phải tuân theo những quy định sau đây: (i) Trước khi tiến hành lấy lời khai lần đầu, Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải giải thích cho người đại diện theo pháp luật của PNTM biết rõ quyền và nghĩa vụ của họ và phải ghi vào biên bản; (ii) Có thể cho người đó tự viết lời khai của mình; (iii) Không được lấy lời khai vào ban đêm; (iv) Kiểm sát viên lấy lời khai trong những trường hợp người đại diện theo pháp luật của PNTM không thừa nhận hành vi phạm tội của PNTM, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết; (v) Biên bản lấy lời khai phải được lập theo quy định chung.
LS. Võ Ngọc Thanh & SENLAW
MV “Chẳng Thể Nhắm Mắt” và cá nhân Hùng Huỳnh không vi phạm bất kỳ quyền tác giả và quyền liên quan nào đối với MV “Standing Next To You” như các quyền đặt tên, đứng tên, làm tác phẩm phái sinh, sao chép, công bố, hay bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các quy định liên quan.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy một số quy định về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn chưa thống nhất nhận thức; một số vấn đề về tạm ngừng phiên tòa phát sinh trong thực tế nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh như: Hình thức tồn tại của quyết định tạm ngừng phiên tòa; sau khi có quyết định tạm ngừng phiên tòa, HĐXX phải thông báo cho những chủ thể nào và việc...
Áp dụng tập quán được xem là một giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, cũng là cơ sở để hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng tập quán trong công tác xét xử hiện nay.
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty; yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” tại Bản án số 06/2022/KDTM-ST ngày 18/8/2022 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.