Cổ đông Sáng lập thua kiện do Vi phạm Quy định về Chuyển nhượng Cổ phần
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác [ngoại trừ trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lê Công ty có quy định]. Và theo đó, việc chuyển nhượng cổ phần phải tuân thủ quy định của pháp luật. Thực tế là, các sai sót trong việc chuyển nhượng cổ phần của các Cổ đông hay của Công ty là nguồn cơn của các vụ tranh chấp về chuyển nhượng cổ phần và có thể dẫn đến thua kiện.
LS. Phạm Xuân Sang & Nacy Phạm
Bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp nào?
Theo điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 [điểm d khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014], Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, và cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 [Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014] và Điều lệ công ty nếu có quy định về các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần.
Tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định rằng, các Cổ đông sáng lập [Chủ sở hữu Cổ phần phổ thông trong 03 năm đầu Công ty thành lập] chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho các cổ đông sáng lập khác; việc chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Dù quy định trên là khá rõ ràng, nhưng trên thực tế chưa được Công ty hay Cổ đông quan tâm thực hiện đúng; và khi xảy ra tranh chấp vi phạm này là cơ sở để Tòa án không công nhận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đã được hai bên ký kết.
Bản án dân sự sơ thẩm số 1691/2022/KDTM-ST ngày 26/9/2022 của Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh giải quyết yêu cầu của Nguyên đơn (bà Nguyễn Thị Trúc D) về việc tuyên Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 27/11/2017 bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật Dân sự năm 2015; buộc Bị đơn (bà Nguyễn Ngọc T) trả lại cho Nguyên đơn số tiền 510.000.000 đồng. Theo đó, Tòa án Tp. Hồ Chí Minh đã tuyên buộc: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 27/11/2017 giữa bà Nguyễn Ngọc T và bà Nguyễn Thị Trúc D vô hiệu; buộc bà Nguyễn Ngọc T phải hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Trúc D số tiền 510.000.000 đồng đã nhận theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 27/11/2017. Ngày 10 /10/2022 Bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Và tại Bản án số 63/2023/KDTM-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh đã nhận định:
“… xét lời nại ra của bà Nguyễn Ngọc T là chưa có căn cứ chấp nhận bởi vì:
Tại khoản 3, 4 Điều 119 của Luật doanh nghiệp năm 2014 đã quy định: “3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. ...”.
Do bà Nguyễn Ngọc T là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần phân bón GL, nhưng bà lập hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho bà Nguyễn Thị Trúc D ngày 27/11/2017 đối với cổ phần của bà Nguyễn Ngọc T còn trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, và bà Nguyễn Thị Trúc D không phải là cổ đông sáng lập nhưng bà Nguyễn Ngọc T không có văn bản chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông công ty chấp nhận cho bà Nguyễn Ngọc T chuyển nhượng cổ phần cho người không phải là cổ đông sáng lập và bà Nguyễn Ngọc T cũng không chứng minh được số cổ phần của bà Nguyễn Ngọc T chuyển nhượng thuộc trường hợp số cổ phần mà bà Nguyễn Ngọc T có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là không đúng quy định tại Điều 119 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
…..Do Giao dịch dân sự giữa bà Nguyễn Thị Trúc D và bà Nguyễn Ngọc T về việc chuyển nhượng cổ phần ngày 27/11/2017 vi phạm Điều 119 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên giao dịch dân sự giữa bà Nguyễn Ngọc T và bà Nguyễn Thị Trúc D xác lập ngày 27/11/2017 vô hiệu…”
Từ nhận định trên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh đã tuyên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Ngọc T, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 1691/2022/KDTM-ST của Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh.
Vụ việc thực tế trên nhắc nhớ các Cổ đông, Công ty cũng như các cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại các Công ty cổ phần trong vòng 03 năm kể từ ngày thành lập, cần đặc biệt lưu ý đến quy định: Cổ đông sáng lập được chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác, việc chuyển nhượng cho người khác [không phải là cổ đông sáng lập] chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Đại hội đồng cổ đông của Công ty đó.
Nhận chuyển nhượng cổ phần, khi nào trở thành Cổ đông?
Khoản 6 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cá nhân, tổ chức nhận cổ phần chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.
Quay lại Bản án số 63/2023/KDTM-PT, Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.Hồ Chí Minh, nhận thấy rằng: “Ngày 27/11/2017, tại trụ sở Công ty Cổ phần Phân bón GL bà Nguyễn Ngọc T ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Trúc D 51.000 cổ phần chiếm 8,5% vốn điều lệ của Công ty với số tiền 510.000.000 đồng. bà Nguyễn Thị Trúc D giao đủ tiền cho bà Nguyễn Ngọc T. Theo bà Nguyễn Thị Trúc D khai sau khi bà Nguyễn Ngọc T chuyển nhượng cổ phần cho bà Nguyễn Thị Trúc D, bà Nguyễn Ngọc T không cấp giấy chứng nhận cổ phần cho bà Nguyễn Thị Trúc D và không cập nhật thông tin về nhân thân, về số lượng cổ phần sở hữu của bà Nguyễn Thị Trúc D trong sổ đăng ký cổ đông của Công ty theo quy định và bà Nguyễn Thị Trúc D cũng chưa được tham dự đại hội đồng cổ đông của công ty…”
Theo quy định pháp luật và từ thực tế trên cho thấy, mặc dù hai bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và đã thanh toán đủ tiền chuyển nhượng cổ phần, nhưng bà Nguyễn Thị Trúc D chưa được công nhận là Cổ đông do chưa được cập nhật thông tin về nhân thân, số cổ phần sở hữu của bà Nguyễn Thị Trúc D trong sổ đăng ký cổ đông của Công ty Cổ phần Phân bón GL.
Khi Quý độc giả có câu hỏi, hay cần trao đổi về việc chuyển nhượng cổ phần, các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ với Luật sư của SENLAW tại luatsu@senlaw.vn
___
SENLAW
SenLaw trân trọng thông báo: Ngày 04 tháng 4 năm 2025, Bộ Tư pháp Việt Nam đã chính thức cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam, số 816/BTP-GP, cho Luật sư Tian Jian, quốc tịch Trung Quốc – luật sư nước ngoài hiện đang cộng tác cùng SenLaw. Đây là cột mốc có ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược phát triển của SenLaw, hướng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu cho thị trường Trung Quốc và các vùng...
Trong một sân chơi mà đối thủ ngày càng chuyên nghiệp, việc chỉ biết phòng thủ là chưa đủ để tồn tại, vươn mình và phát triển. Doanh nghiệp cần một chiến lược pháp lý toàn diện, vừa có hàng thủ vững chắc, vừa có tuyến tiền vệ linh hoạt để kiểm soát thế trận và giành chiến thắng.
MV “Chẳng Thể Nhắm Mắt” và cá nhân Hùng Huỳnh không vi phạm bất kỳ quyền tác giả và quyền liên quan nào đối với MV “Standing Next To You” như các quyền đặt tên, đứng tên, làm tác phẩm phái sinh, sao chép, công bố, hay bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các quy định liên quan.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy một số quy định về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn chưa thống nhất nhận thức; một số vấn đề về tạm ngừng phiên tòa phát sinh trong thực tế nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh như: Hình thức tồn tại của quyết định tạm ngừng phiên tòa; sau khi có quyết định tạm ngừng phiên tòa, HĐXX phải thông báo cho những chủ thể nào và việc...