Bồi thường thiệt hại ước định: biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng phổ biến quốc tế nhưng chưa định hình rõ tại Việt Nam – Doanh nghiệp liệu có nên áp dụng?
Mặc dù khái niệm “bồi thường thiệt hại ước định” đã được ghi nhận rộng rãi trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia và dần trở nên quen thuộc với những người trực tiếp tham gia soạn thảo và áp dụng hợp đồng trong thực tiễn tại Việt Nam, song khuôn khổ pháp lý hiện hành vẫn chưa thiết lập một cơ chế pháp lý độc lập và rõ ràng đối với loại điều khoản này. Việc thiếu vắng quy định cụ thể dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong thực tiễn áp dụng – ngay cả khi các bên đã có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng. Điều này đặc biệt đáng lưu tâm khi tranh chấp phát sinh và được giải quyết tại các cơ quan tài phán trong nước, nơi mà tính ràng buộc và hiệu lực thi hành của điều khoản bồi thường thiệt hại ước định vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh luận.
Bài viết dưới đây – được biên soạn bởi SENLAW – sẽ giới thiệu một cách khái quát về chế định bồi thường thiệt hại ước định. Qua đó, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về tính khả thi của chế định này và thận trọng cân nhắc khi vận dụng trong hoạt động thương mại.
1. Bồi thường thiệt hại ước định là gì và có đặc điểm ra sao?
Bồi thường thiệt hại ước định (liquidated damages) là cơ chế pháp lý cho phép các bên trong hợp đồng thỏa thuận trước về một khoản tiền cụ thể hoặc có thể xác định được, sẽ được bên vi phạm thanh toán cho bên bị vi phạm nếu hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Khoản tiền này được xem như một sự ước tính hợp lý về tổn thất có thể phát sinh từ hành vi vi phạm, mà không đòi hỏi bên bị vi phạm phải chứng minh thiệt hại thực tế trên thực tế đã xảy ra ở mức độ nào. Đặc điểm của bồi thường thiệt hại ước định như sau: Được thỏa thuận trước, tại thời điểm ký kết hợp đồng; Mang tính chất dự phòng; Không đòi hỏi chứng minh thiệt hại thực tế.
2. Cơ sở pháp lý trong pháp luật nước ngoài, Việt Nam và các văn kiện quốc tế
2.1. Pháp luật nước ngoài:
Trong hệ thống pháp luật của các quốc gia theo truyền thống Thông luật (Common Law), điển hình là Anh và Hoa Kỳ, bồi thường thiệt hại ước định được thừa nhận như một công cụ pháp lý hợp lệ trong hợp đồng. Tuy nhiên, nếu khoản tiền được coi là không tương xứng, quá cao so với tổn thất có thể dự đoán hoặc có tính chất trừng phạt bên vi phạm, thì điều khoản này sẽ bị xem là penalty clause và bị vô hiệu.
Trong hệ thống pháp luật Dân luật (Civil Law), cụ thể là tại Pháp, ranh giới giữa bồi thường thiệt hại ước định và phạt vi phạm không được phân định rõ ràng. Trước khi có Pháp lệnh số 2016-131 ngày 10 tháng 2 năm 2016, điều khoản bồi thường ước định và phạt vi phạm thường được hiểu là một cơ chế duy nhất vừa có chức năng ước lượng tổn thất, vừa mang tính răn đe. Sau cải cách pháp luật, Điều 1231-5 Bộ luật Dân sự Pháp đã quy định rõ hơn về khả năng Tòa án điều chỉnh khoản tiền nếu nhận thấy không tương xứng với thiệt hại thực tế. Mặc dù vậy, trong thực tiễn xét xử, sự phân biệt giữa hai cơ chế này vẫn chưa thật sự tách bạch.
2.2. Pháp luật Việt Nam:
Theo pháp luật Việt Nam, Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp “có thỏa thuận khác” hoặc pháp luật có quy định khác. Mặc dù không ghi nhận cụ thể khái niệm bồi thường thiệt hại ước định, nhưng cụm từ “thỏa thuận khác” được nhiều học giả và giới thực hành pháp lý xem là một cơ sở mở để các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường cụ thể, được xác lập từ trước.
Tương tự, Luật Thương mại 2005 cũng chưa quy định trực tiếp về bồi thường thiệt hại ước định. Tuy nhiên, Điều 292 của luật này – quy định về các loại chế tài trong thương mại, đã ghi nhận việc các bên có thể thỏa thuận về một biện pháp khác, không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
2.3. Văn kiện quốc tế:
Ngoài hệ thống pháp luật quốc gia, một số văn kiện pháp lý quốc tế cũng ghi nhận cơ chế này dưới hình thức thỏa thuận về thiệt hại có thể dự kiến. Ví dụ, Điều 74 của Công ước Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG) quy định rằng giá trị bồi thường không được vượt quá mức tổn thất mà bên vi phạm đã dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu tại thời điểm ký kết hợp đồng. Cách diễn đạt này gián tiếp thừa nhận tính hợp lệ của việc xác lập trước mức thiệt hại. Hiệp định TRIPs và Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đều có nội dung cho phép các bên yêu cầu cơ quan tài phán tuyên buộc khoản bồi thường theo mức đã được ấn định, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
3. Phân biệt bồi thường thiệt hại ước định với phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại theo pháp luật Việt Nam
Tiêu chí |
Phạt vi phạm |
Bồi thường thiệt hại ước định |
Bồi thường thiệt hại thực tế |
Mục đích |
Răn đe, chế tài |
Dự liệu và bù đắp tổn thất |
Khắc phục tổn thất thực tế |
Điều kiện áp dụng |
Có vi phạm nghĩa vụ |
Có tổn thất tiềm tàng, không cần chứng minh |
Phải chứng minh đầy đủ thiệt hại |
Mức giới hạn |
Bị giới hạn (8%) |
Không giới hạn, nhưng phải hợp lý |
Không giới hạn nếu chứng minh được |
Căn cứ pháp lý |
Điều 418 BLDS, Điều 300 LTM |
Không được quy định cụ thể |
Điều 360 BLDS, Điều 302-304 LTM |
4. Thực tiễn áp dụng thỏa thuận “bồi thường thiệt hại ước định” tại Việt Nam
Tại Tòa án, xu hướng chung là thận trọng khi xem xét hiệu lực của điều khoản bồi thường thiệt hại ước định. Trong phần lớn các vụ tranh chấp, Tòa án thường không chấp nhận mức bồi thường đã được các bên thỏa thuận trước nếu bên yêu cầu không chứng minh được thiệt hại thực tế. Khi đó, thỏa thuận này có nguy cơ bị xem là một dạng phạt vi phạm và bị giới hạn theo khung trần quy định tại Luật Thương mại (thường không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm). Điều này dẫn đến nghịch lý: dù các bên đã chủ động thỏa thuận mức bồi thường từ trước nhằm tránh phải chứng minh thiệt hại khi phát sinh tranh chấp, Tòa án vẫn có thể bác bỏ thỏa thuận đó nếu không có bằng chứng về tổn thất thực tế.
Tại Trọng tài thương mại, dù được đánh giá là cơ chế linh hoạt hơn, việc công nhận thỏa thuận bồi thường ước định vẫn phụ thuộc vào luật áp dụng. Nếu tranh chấp chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, Hội đồng Trọng tài thường có xu hướng áp dụng cách tiếp cận tương tự Tòa án – yêu cầu chứng minh thiệt hại thực tế hoặc giới hạn mức bồi thường theo quy định pháp luật, thay vì tôn trọng thỏa thuận ước định như một cam kết có tính ràng buộc.
Kết Luận: Cần thận trọng khi vận dụng và chờ đợi định hướng pháp luật
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, khi giao kết hợp đồng với đối tác tại Việt Nam, cần lưu ý rằng cơ chế bồi thường thiệt hại ước định hiện chưa được pháp luật Việt Nam quy định một cách cụ thể. Do đó, cần cân nhắc điều chỉnh nội dung hợp đồng cho phù hợp với hệ thống pháp luật áp dụng nhằm bảo đảm hiệu lực và khả năng thực thi. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng không nên loại trừ hoàn toàn điều khoản này, mà nên tiếp cận một cách thận trọng, trên cơ sở đánh giá mức ấn định có hợp lý hay không và xét đến hoàn cảnh cụ thể của từng giao dịch.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước theo hướng ghi nhận rõ ràng cơ chế này là một yêu cầu đặt ra, nhằm góp phần xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, đồng bộ và tạo thuận lợi cho các chủ thể trong quá trình tham gia giao kết, thực hiện hợp đồng.
SENLAW hy vọng bài viết này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích, hỗ trợ doanh nghiệp có góc nhìn đúng đắn và thực tế hơn khi tiếp cận cơ chế bồi thường thiệt hại ước định trong hợp đồng thương mại.
Xem đầy đủ bài viết tại ĐÂY
Trao đổi thêm về nội dung bài viết và nhận tư vấn giải pháp phù hợp với tình huống cụ thể của Quý doanh nghiệp, vui lòng liên hệ:
[e] : luatsu@senlaw.vn [h] : 028 730 73 579 [w] : www.senlaw.vn
Theo dõi chúng tôi tại: https://www.facebook.com/senlaw.vn. https://www.linkedin.com/company/senlawofficial
Trong bức tranh toàn cảnh của hoạt động kinh doanh thương mại, hợp đồng không chỉ là một văn bản pháp lý, mà còn là nền tảng cốt lõi định hình mối quan hệ giữa các bên trong quá trình hợp tác. Đây là công cụ ghi nhận rõ ràng các cam kết, quyền và nghĩa vụ – từ đó tạo ra cơ chế vận hành ổn định, minh bạch và bảo đảm lợi ích giữa các bên.
Để chủ động kiểm soát rủi ro, các bên thường thỏa thuận trước cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Hai cơ chế phổ biến nhất hiện nay là Tòa án (tài phán nhà nước) và Trọng tài thương mại (tài phán tư nhân). Tuy nhiên, không ít hợp đồng quy định điều khoản cho phép các bên lựa chọn cả hai cơ chế – vừa Tòa án, vừa Trọng tài. Vậy thỏa thuận này có hợp lệ và hiệu lực theo pháp luật Việt Nam không?
[NGUOILAODONG] Việc chuyển sang cơ chế "đăng ký xây dựng" thay cho "xin phép" chính là sự khẳng định vai trò chủ thể của người dân
Nợ trái phiếu đến hạn, doanh nghiệp “lặn mất tăm”. Khai thác hiệu quả Trọng tài thương mại - xu hướng giải quyết tranh chấp đang thịnh hành được nhiều tổ chức phát hành trái phiếu lựa chọn