028 7307 3579

HotLine

Ngôn ngữ

(KTSG Online) - Quản trị pháp lý doanh nghiệp: Phòng ngự chắc chắn, tấn công hiệu quả

Quản trị pháp lý có thể là lá chắn bảo vệ hoặc là điểm yếu chí mạng nếu doanh nghiệp không tổ chức và kiểm soát hiệu quả.

Mấy ngày Tết vừa qua, tôi gặp lại một người bạn đang khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Anh bắt đầu bằng việc bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon, eBay. Nhờ cách tiếp cận thị trường sáng tạo, anh nhanh chóng thu hút khách hàng nước ngoài và từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh.

Khi lượng đơn hàng ngày càng lớn, anh quyết định đi xa hơn, ký kết hợp đồng cung cấp số lượng lớn với một đối tác nhập khẩu tại Mỹ nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và giảm chi phí vận hành.

Những tưởng đây là cột mốc quan trọng giúp công ty bước sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, nhưng chỉ vài tháng sau, anh lại đối mặt với một tình huống không ngờ tới. Hàng xuất đi đúng hẹn nhưng đối tác Mỹ bất ngờ khiếu nại về bao bì sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, viện dẫn một điều khoản trong hợp đồng mà anh không để ý khi ký kết.

Điều khoản này quy định nếu bao bì không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn theo luật liên bang Mỹ, bên bán phải chịu toàn bộ chi phí thu hồi và bồi thường một khoản tiền ấn định trước (Liquidated Damages).

Không có đội ngũ pháp lý hỗ trợ, anh đã ký hợp đồng mà không lường trước rủi ro. Giờ đây, công ty đứng trước nguy cơ mất hàng tỉ đồng vì một điều khoản tưởng chừng nhỏ nhưng lại có tác động lớn. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến chuyện chốt hợp đồng, đâu ngờ pháp lý lại quan trọng đến thế," anh thở dài.

Câu chuyện đó không mới nhưng vẫn là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Không ít doanh nghiệp khi khởi sự kinh doanh chỉ tập trung vào sản phẩm, khách hàng và doanh thu mà chưa dành đủ sự quan tâm đến công tác quản trị pháp lý trong sản xuất, kinh doanh và quản trị điều hành doanh nghiệp.

Quản trị pháp lý có thể là lá chắn bảo vệ hoặc là điểm yếu chí mạng nếu doanh nghiệp không tổ chức và kiểm soát hiệu quả. Một doanh nghiệp thiếu nền tảng pháp lý vững chắc cũng như một đội bóng bước ra sân với hàng thủ non trẻ, không có chiến thuật phòng ngự, dễ dàng bị đối thủ khai thác điểm yếu. Thế nhưng, nếu chỉ lo phòng ngự mà không có chiến thuật tấn công hợp lý, doanh nghiệp cũng không có lợi thế ngay trên chính sân nhà của mình và khó vươn xa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Bóng đá và kinh doanh có nhiều điểm tương đồng hơn ta nghĩ. Một đội bóng muốn chiến thắng không thể chỉ chăm chăm phòng ngự mà phải biết kiểm soát thế trận, tận dụng cơ hội để ghi bàn. Doanh nghiệp cũng vậy, không chỉ cần tuân thủ pháp luật để tránh rủi ro mà còn phải biết khai thác các lợi thế pháp lý để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nếu coi hệ thống pháp lý doanh nghiệp như một đội bóng thì tuân thủ pháp luật chính là vai trò và nhiệm vụ của hàng hậu vệ - giúp bảo vệ khung thành trước những nguy cơ bị thủng lưới, tức là tránh, hạn chế doanh nghiệp khỏi các rủi ro pháp lý như vi phạm quy định pháp luật, kiện tụng, hay các bất đồng xung đột, tranh chấp phát sinh trong các giao dịch kinh doanh và các mối quan hệ pháp lý mà doanh nghiệp xác lập trên thương trường.

Một doanh nghiệp không có hàng thủ vững chắc với chiến thuật phòng ngự khoa học và được tổ chức kỷ luật sẽ dễ dàng bị cuốn vào những rắc rối pháp lý, tiêu hao nguồn lực, mất uy tín và thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Tuy nhiên, bóng đá không thể thắng chỉ chờ phòng ngự. Một đội bóng mạnh không chỉ có hàng thủ chắc chắn mà còn cần tuyến tiền vệ giỏi để kiểm soát thế trận, tạo cơ hội và mở ra khoảng trống cho tiền đạo ghi bàn. Trong quản trị pháp lý, có thể ví hàng tiền vệ chính là hình ảnh của việc tận dụng luật pháp để tạo ra lợi thế kinh doanh.

Chính sách pháp luật hiện hành và những thay đổi trong tương lai có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, từ giai đoạn hình thành ý tưởng, xây dựng chiến lược đến cách doanh nghiệp vận hành trong suốt vòng đời của mình.

Doanh nghiệp hiểu và biết khai thác các chính sách ưu đãi, bảo hộ sở hữu trí tuệ, sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) như hoà giải, trọng tài thương mại bên cạnh toà án, hay tận dụng các quy định thương mại quốc tế để mở rộng thị trường chính là những đội bóng có hàng tiền vệ xuất sắc - giúp đội nhà tiến gần hơn đến những “bàn thắng” trong kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn có xu hướng chỉ tập trung vào phòng ngự, lo tuân thủ pháp luật một cách máy móc vì sợ rủi ro. Những doanh nghiệp này chưa thực sự khai thác lợi thế từ chính sách, chưa tận dụng tư duy pháp lý và sự am hiểu của các chuyên gia để xây dựng một chiến lược quản trị pháp lý linh hoạt, gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững.

Trong một sân chơi mà đối thủ ngày càng chuyên nghiệp, chỉ biết phòng thủ là chưa đủ để tồn tại, vươn mình và phát triển. Doanh nghiệp cần một chiến lược pháp lý toàn diện, vừa có hàng thủ vững chắc, vừa có tuyến tiền vệ linh hoạt để kiểm soát thế trận, tạo ra lợi thế cạnh tranh và mang đến cơ hội để giành chiến thắng.

Năm Ất Tỵ 2025, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo tăng trưởng tích cực, đòi hỏi các doanh nghiệp bên cạnh sự chủ động và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, cần chú trọng kế hoạch tái cấu trúc và nâng tầm quản trị. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp Việt cần nhìn nhận đúng vai trò của chiến lược pháp lý trong sản xuất, kinh doanh và quản trị điều hành doanh nghiệp.
------------------------------
(*) Công ty Luật SENLAW

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin tức khác

MV “Chẳng Thể Nhắm Mắt” và cá nhân Hùng Huỳnh không vi phạm bất kỳ quyền tác giả và quyền liên quan nào đối với MV “Standing Next To You” như các quyền đặt tên, đứng tên, làm tác phẩm phái sinh, sao chép, công bố, hay bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các quy định liên quan.

Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy một số quy định về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn chưa thống nhất nhận thức; một số vấn đề về tạm ngừng phiên tòa phát sinh trong thực tế nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh như: Hình thức tồn tại của quyết định tạm ngừng phiên tòa; sau khi có quyết định tạm ngừng phiên tòa, HĐXX phải thông báo cho những chủ thể nào và việc...

Áp dụng tập quán được xem là một giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, cũng là cơ sở để hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng tập quán trong công tác xét xử hiện nay.

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty; yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” tại Bản án số 06/2022/KDTM-ST ngày 18/8/2022 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.